Thiết kế Web là gì?

Đương nhiên đó là công việc thiết kế các trang web – (Website Design) mà bạn đang xem trên internet bao gồm cả trang này. Tuy nhiên khái niệm thiết kế web thường đề cập đến thiết kế trải nghiệm người dùng (UX – User Experience) hơn là nói về công việc lập trình web (Web Development).

Thiết kế web là công việc cần có những kiến thức mỹ thuật, mang lại hình thức thẩm mỹ bên ngoài. Không chỉ liên quan đến giao diện, bố cục, đôi khi thiết kế web bao gồm luôn việc sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, nhà thiết kế web còn phải có sự hiểu biết nhất định, đề ra các tính năng, hoạch định cách thức mà người dùng tương tác với trang web.

Ngày nay, quy trình phát triển một website bao gồm nhiều bộ phận phối hợp như sau:

  • Web Design: Thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng (UI/UX), trình bày dưới hình thức hình ảnh đồ họa, tài liệu phác thảo wireframe, mock-up…  được xem là blue-print – bản thiết kế tiêu chuẩn để xây dựng một trang web, bước bắt buộc cho giai đoạn kết tiếp Front-end web design.
  • Front-end web design: Thực hiện công việc viết mã – code HTML, CSS, JS … tạo các trang web mẫu hoàn chỉnh có thể tương tác thử nghiệm trên trình duyệt. Sản phẩm hoàn chỉnh có thể bàn giao cho công đoạn kế tiếp Back-end web development
  • Back-end web development Tiến trình của công việc viết code cho website vận hành trên máy chủ dựa trên nền tảng các ngôn ngữ lập trình ứng dụng web và cơ sở dữ liệu. Lập trình viên – programmer hay developer là những người thực hiện công việc này

Thiết kế Web – nghề nghiệp bền vững, tương lai chuẩn mực. Bạn có muốn trở thành một nhà thiết kế web? 

Nếu đang cân nhắc liệu thiết kế web có phải là con đường nghề nghiệp phù hợp với mình hay không, bạn cần  trả lời cho những câu hỏi quan trọng sau đây: Bạn thực sự cần biết những kiến thức gì? Bạn có nên học viết code không? Bạn cần có những công cụ phần mềm nào?

Đừng lo lắng! Việc bắt đầu thiết kế trang web dễ dàng hơn bạn có thể tưởng tượng. Đầu tiên chúng ta cần xem những kiến thức gì mà bạn cần chuẩn bị, thông tin sắp đến chứa đựng nhiều thuật ngữ có vẻ đáng sợ, nhưng thực tế chúng cũng rất dễ hiểu và thú vị!

  1. THIẾT KẾ TRỰC QUAN –  Visual Design
    Về tổng thể, thiết kế trực quan trang web có mối tương đồng như công việc thiết kế đồ họa lâu đời. Thay vì thiết kế trên các trang in ấn, thì giờ đây, bạn phải trình bày trên một sản phẩm kỹ thuật số, giao diện của một trang web. Công việc này bao gồm từ tỷ lệ, kiểu chữ, hệ thống lưới, màu sắc … Nói cách khác, đây là một thử thách với việc sắp xếp kiểu chữ, điều phối bảng màu, khối nội dung sao cho tỷ lệ các thành phần trên trang web cân đối, hài hòa và phải hữu dụng (việc này liên quan đến lĩnh vực UX mà chúng ta sẽ đề cập kế tiếp).
  2. THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM NGƯỜI DÙNGUser Experience (UX)
    Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) là quy trình các công đoạn thiết kế để tạo ra sản phẩm có tính năng phù hợp, tạo sự thoải mái, tiện lợi với đối tượng người dùng mục tiêu. UX bao gồm tất cả nhiều yếu tố khác nhau để đánh giá cảm nhận của người dùng khi tương tác với sản phẩm, đánh giá cao các yếu tố mang lại sự hữu dụng. Thuật ngữ thiết kế “trải nghiệm người dùng” nói một cách đơn giản, đó là thiết kế dựa trên sự nghiên cứu hành vi người sử dụng, cụ thể ở đây, là cách tương tác của người xem đối với trang web.
  3. PHẦN MỀM THIẾT KẾ
    Giống như bất kỳ người thợ thủ công nào, để thực hiện công việc của mình, bạn cần có những công cụ phù hợp. Công cụ hữu dụng của nhà thiết kế web đó là các phần mềm như Adobe Photoshop, Illustrator, Sketch hoặc tương tự … đó là những phần mềm mà hầu như tất cả các nhà thiết kế web đều sử dụng cho các công đoạn quan trọng bao gồm tạo mô hình – mockup, thiết kế đồ họa (ví dụ như logo và hình ảnh), sửa đổi và nâng cao hình ảnh. Bạn chắc chắn phải học cách sử dụng các phần mềm này một cách thành thạo.
  4. HTML và CSS
    Mặc dù quan điểm ngày nay, thuật ngữ web designer không bắt buộc bạn phải có khả năng viết code, tuy nhiên, nếu bạn có kiến thức tốt về HTML/CSS bạn sẽ có nền tảng vững chắc để nâng cao khả năng thiết kế UX.
    HTMLHyperText Markup Language được xem là ngôn ngữ của trình duyệt, nó biên dịch các cấu trúc thiết kế và nội dung của trang web dưới dạng các đoạn mã quy ước để hiển thị trên trình duyệt các tiêu đề, đoạn văn, ảnh chụp, video và cả ảnh thiết kế đồ họa .. theo bố cục của nhà thiết kế.
    CSSCascading Style Sheets là các đoạn mã giúp diễn giải cấu trúc HTML với trình duyệt để tạo ra kiểu dáng, định dạng, màu sắc kiểu chữ, bố cục các khối nội dung, hình nền … tạo trang web thêm bắt mắt. Hiểu đơn giản, HTML là phần xây dựng thô khung sườn, và CSS là công việc trang trí nội ngoại thất của một công trình.
  5. CÁC KỸ NĂNG MỀM
    • Quản lý lịch trình làm việc: Dù bạn sẽ là một nhà thiết kế web tự do hay đi làm cho một công ty, bạn luôn phải tạo thói quen thiết lập lịc trình làm việc bao gồm các cuộc hẹn với khách hàng, lịch trình làm việc, tiến độ dự án … Dù là công việc nào, việc nắm vững nghệ thuật sắp xếp thứ tự ưu tiên và theo dõi công việc sẽ là điều cần thiết để giúp bạn thành công.
    • Thông tin trong suốt: Luôn giữ mối liên hệ và cập nhật lịch trình làm việc với khách hàng trong suốt quá trình thực hiên dự án là một trong những thói quen cần rèn luyện của nhà thiết kế web. Do tính chất đặc thù, công việc thiết kế web có thể hoàn toàn làm từ xa, mọi liên lạc đều thực hiện qua email, chat hay điện thoại, đo đó bạn luôn phải cung cấp thông tin trong suốt cho khách hàng theo dõi, trình bày các ý tưởng thiết kế hay tiến độ của dự án sẽ giúp công việc tránh được nhiều sai sót do hiểu lầm nhau.
    • SEO / DIGITAL MARKETING / SOCIAL MEDIA: kỹ năng về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm – SEO (search engine optimization), tiếp thị kỹ thuật số – Digital Marketing hay Tương tác mạng xã hội – Social Media nghiêng về lĩnh vực bán hàng hơn là chuyên môn của bạn. Tuy nhiên ngày nay, Internet là một kênh bán hàng rất hiệu quả, nếu bạn có khả năng  học hỏi những kiến thức này, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội lấy được sự tin tưởng và ấn tượng trước khách hàng.
    • Quản lý doanh nghiệp: Dù là một nhân viên làm công hoặc một người làm việc tự do, hiểu được cốt lõi quản lý doanh nghiệp sẽ giúp bạn đảm bảo việc kinh doanh sẽ có lợi nhuận và phát triển bền vững. Bạn không cần phải học các khóa quản lý doanh nghiệp, nhưng bạn nên có ý tưởng đặt ra mục tiêu phát triển và nắm rõ tình hình tài chính doanh nghiệp. Đảm bảo dòng tiền, quản lý dự án đúng kế hoạch, đề ra các mục tiêu khả thi ngắn hạn và dài hạn.
Facebook Comments